Bền vững mô hình Phú Mỹ Hưng

Nhớ lại, vào đầu 1990, sau khi công cuộc “Đổi mới” được khởi động, TP.HCM bắt đầu chính thức tiến vào giai đoạn đô thị hoá theo chiều rộng, khi ấy cả thành phố (nhìn rộng ra là cả nước) là một công trường xây dựng vĩ đại.

Kiến tạo không gian sống

Mô hình duy nhất và phổ biến của bất động sản khi ấy là phân lô bán nền. Sau chiến tranh, người dân ở các thành phố đều chỉ mong ước có được một chỗ “an cư” cho mình và gia đình, để đáp ứng nhu cầu cấp bách đó các nhà đầu tư lớn nhỏ đều cố gắng kiếm một miếng đất từ vài ha đến vài chục ha, rồi đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ bản như đường, điện, nước và sau đó chia nhỏ ra thành từng miếng bán cho chủ nhà muốn xây sao cũng được.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với nhiều mảng xanh sinh thái.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với nhiều mảng xanh sinh thái.

Trong bối cảnh cả nước đang sôi động phân lô bán nền thì ở Nam Sài Gòn, việc Phú Mỹ Hưng ra đời một mô hình hoàn toàn mới chưa có trong tiền lệ lịch sử phát triển đô thị nước nhà.

Đó là kiến tạo một không-gian-sống hoàn thiện, điều đó có nghĩa là mỗi hộ gia đình không chỉ có một căn hộ hay một ngôi nhà qua đêm mà lúc này còn có một không gian đa chức năng khác rộng lớn hơn lồng ghép vào nhau bao gồm không gian xanh, môi trường tự nhiên; không gian cộng đồng thân thiện nhân văn; không gian xã hội an ninh, an toàn; không gian dịch vụ tiện ích, đầy đủ; không gian văn hoá – nghệ thuật; không gian y tế – giáo dục – thể thao, không gian sống văn minh – trật tự và không gian vui chơi – giải trí…

Tất cả các không gian này hoà quyện vào nhau trong một diện tích sống tối ưu theo cách thức “nhiều trong một”.

Người dân Phú Mỹ Hưng có thể thoả mãn hầu hết các nhu cầu sống của mình trong một môi trường sống có chất lượng cao vào loại nhất nhì cả nước. Do vậy mà năm 2008, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam.

Sau Phú Mỹ Hưng, ở Việt Nam ra đời hàng chục khu đô thị được coi là cao cấp, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Dương, Bắc Ninh.

Phát triển bền vững

Một vấn đề rất quan trọng là làm sao giữ được không gian sống chất lượng cao ấy một cách lâu dài, bền vững không chỉ vài năm mà là hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Đó là bài toán rất khó, bởi tạo ra một mô hình là khó nhưng nuôi dưỡng được nó và phát triển sao cho năm sau tốt hơn năm trước là khó hơn gấp vạn lần.

Một góc khu Thương mại tài chính quốc tế Phú Mỹ Hưng.
Một góc khu Thương mại tài chính quốc tế Phú Mỹ Hưng.

Thực tế những năm qua cho thấy nhiều khu dân cư lúc mới hình thành và mở bán thì rất xanh, đẹp, văn minh và được coi là “đáng sống”, nhưng chỉ 5-7 năm sau bắt đầu thấy dấu hiệu của sự xuống cấp.

Đầu tiên là quy hoạch không gian bị phá vỡ bởi trật tự xây dựng không còn giữ được như thiết kế trước đó. Ban đầu là xuất hiện các công trình xây chèn, móc lõm, cơi nới, lấn chiếm không gian chung dưới mặt đất và trên cao khiến cho tổng mặt bằng trở nên lộn xộn, nhiều nhà có hình dáng dị dạng, màu sắc bát nháo, cảnh quan môi trường trở nên thô kệch, cây xanh bị héo úa, không được chăm sóc, nhiều bãi rác, nước thải xuất hiện đây đó, đường xá ổ voi, ổ gà xuống cấp, vỉa hè bị lấn chiếm, người bán hàng đi rong đi khắp phố thị, hiện tượng mất an ninh trật tự, trộm cắp, đua xe, nhậu nhẹt gây lộn xuất hiện.

Theo năm tháng, nhiều khu đô thị bị xuống cấp và tạo nên hình ảnh xấu xí không còn hoành tráng, long lanh như thưở mới cắt băng khai trương.

Cho đến nay, sau 28 năm Phú Mỹ Hưng vẫn là khu đô thị kiểu mẫu, là nơi “đáng sống”, là nơi lựa chọn của rất nhiều người nước ngoài (gần 40% trong số khoảng 36.000 cư dân là nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia nước ngoài).

Diện tích cây xanh vẫn luôn đảm bảo ở mức bình quân 8,9m2/người, mục tiêu “rác không chạm đất” và kiến tạo “không gian sống hoàn thiện, thân thiện, và nhân văn” vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục.

Các công trình mới như chung cư, cao ốc văn phòng, các công trình phục vụ công cộng như siêu thị, công viên… vẫn được xây dựng mới nhưng không xung đột nhau mà tất cả diễn ra trong một trật tự, hài hoà có tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất theo bản qui hoạch đầu tiên mà SOM (Skidmore, Owings & Merrill) thiết kế.

Vậy là đã 28 năm kể từ khi một đô thị sầm uất mọc lên trên một vùng đất hoang vu, đầy cỏ lác, muỗi mòng và nước phèn chua mặn. Dự án Phú Mỹ Hưng (Giàu – Đẹp – Thịnh Vượng) ở phía Nam TP. HCM được coi là mô hình đầu tiên ra đời kiến tạo nên một “không gian sống chất lượng” ở Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Minh Hoà, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM
PGS.TS. Nguyễn Minh Hoà, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM

Gắn kết cộng đồng

Để làm được điều này, Phú Mỹ Hưng phải hội tụ được rất nhiều yếu tố như nguồn lực tài chính dồi dào; bộ máy độ quản lý chuyên nghiệp; sự phối kết hợp tốt giữa các chủ thể quản lý, bao gồm nhà đầu tư Phu My Hung Asia Holdings Corporation, chính quyền hai Phường Tân Phong và Tân Phú, Chính quyền quận 7, Ban quản lý Khu nam TP.HCM, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC – đối tác liên doanh của Phu My Hung Asia Holdings Corporation tại Việt Nam), và các đối tác khác đầu tư vào khu đô thị này, thêm vào nữa là sự tận tình trách nhiệm của đội ngũ nhân viên phục vụ gần 1.000 người trên địa bàn khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Nhưng còn có một yếu tố nữa rất quan trọng mà theo chúng tôi là nó đóng vai trò quyết định sự phát triển bền vững của khu đô thị Phú Mỹ Hưng đó là Phú Mỹ Hưng đã xây dựng được một cộng đồng dân cư có trách nhiệm với nơi chốn của mình.

Có một nguyên lý bất di bất dịch của phát triển ở bất cứ một thành phố, một khu dân cư, một làng xã hay nói rộng ra là một quốc gia là thực thể đó chỉ trường tồn và phát triển được khi các thành viên của cộng đồng đó thấy yêu quý, tự hào, gắn bó với nơi mình sống và làm việc.

Khi đã yêu, đã tự hào thì họ biết phải làm gì để bảo vệ, giữ gìn, nâng niu và xây dựng cho mảnh đất của mình phát triển bền vững và ngày một mạnh lên. Phú Mỹ Hưng đã làm được điều đó với cư dân của mình. Họ không chỉ biết bảo vệ, xây dựng khuôn viên ngôi nhà của mình mà cùng với mọi người chung tay giữ gìn môi trường sống, nhắc nhở những người khác, và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện xâm phạm làm xấu xí nơi mà mình đang sống.

Với chủ trương kiến tạo nên một cộng đồng văn minh và thân thiện, Phú Mỹ Hưng làm mọi cách để cho người Phú Mỹ Hưng luôn thấy tự hào, yêu quý nơi mình sống và làm việc.

Một trong số các nỗ lực đó là kiến tạo nên “chất keo kết dính cộng đồng” trên tinh thần “thống nhất trong sự đa dạng”, bởi nơi đây có rất nhiều nhóm người khác nhau như người Việt, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Mỹ, Canada, châu Âu…

Không có nhiều nơi mà hàng năm bỏ ra rất nhiều kinh phí và công sức tổ chức các sự kiện, các hoạt động cộng đồng nhằm gắn kết mọi thành viên lại, có thể kể đến như Hội hoa xuân, Hướng về trẻ em, Ngày hội xanh, Đi bộ từ thiện Lawrence S. Ting …

Những chương trình này thu hút đông đảo mọi người dân tham gia, nó mang lại rất nhiều giá trị tích cực. Ngoài việc nó mang lại không khí sôi động thì nó thực sự được coi như là chất keo đặc biệt gắn kết mọi người khác quốc tịch ngôn ngữ lại với nhau nhằm “phá băng” cho hiện tượng “đèn nhà ai nhà nấy rạng” để hình thành nên một cộng đồng đô thị.

Mỗi sự kiện thu hút được hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người tham dự. Nó mang lại cho cư dân nơi đây một niềm tự hào phá chút kiêu hãnh “ta là cư dân Phú Mỹ Hưng”, bởi có một thực tế là cả nước đều biết đến thương hiệu Phú Mỹ Hưng, do vậy mà được sinh sống và làm việc ở khu đô thị này là một niềm mong ước của nhiều người.

Trong một cuộc nghiên cứu cấp thành phố có tựa đề “Điều tra xã hội học về những thay đổi ở vùng đất phía Nam TP.HCM sau 25 đổi mới” được thực hiện năm 2015 mà tác giả bài báo này làm chủ nhiệm đề tài cho thấy người dân ở đây rất hài lòng về những mình đang sở hữu.

500 người là cư dân của Phú Mỹ Hưng tham gia trả lời phỏng vấn, trong đó 100 người nước ngoài, cho hay 89,2% hài lòng về quy hoạch không gian, 92,5 % hài lòng về cảnh quan chung, 93,6% hài lòng về độ phủ của mảng xanh, 92,3 % hài lòng về các công trình kiến trúc, 94,5% hài lòng về vệ sinh công cộng, 92,2% hài lòng về trật tự an ninh.

Một cái nhìn tổng quát nhất là 94,4% người dân thấy tự hào về danh hiệu “Khu dân cư đô thị kiểu mẫu Việt Nam” mà Bộ Xây dựng trao tặng năm 2008.

Ngày nay, ở Việt Nam, có rất nhiều tập đoàn, công ty đi theo hướng tạo ra một “không gian sống đồng bộ” tuy nhiên, có thể nói trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam thì dự án Phú Mỹ Hưng chính là hình mẫu đầu tiên của trường phái đô thị này.

Chính Phú Mỹ Hưng đã làm thay đổi nhận thức và thái độ của người Việt Nam đối với nơi chốn mà mình sống và hiện thực hoá các khái niệm “khu đô thị”, “không gian sống”, “tổ hợp sống” vào đời sống người dân TP.HCM.

28 năm một chặng đường dài đủ để khắng định sức sống của một mô hình cư trú hiện đại – văn minh – nghĩa tình.

Kết thúc bài viết này, tôi muốn dẫn ra đây lời nói của ông Ting với KTS. John Lund Kriken, là KTS của công ty SOM được coi như là triết lý dẫn dắt cho Phú Mỹ Hưng là: “Để tạo ra một thành phố vĩ đại, vấn đề không phải là bạn lấy đi cái gì mà bạn để lại cái gì sau khi đã ra đi” (To create a great city, it’s not what you take away but what you leave behind).

PGS.TS. NGUYỄN MINH HÒA

Facebook
Twitter
Email

Tin liên quan

Bền vững mô hình Phú Mỹ Hưng

Nhớ lại, vào đầu 1990, sau khi công cuộc “Đổi mới” được khởi động, TP.HCM bắt đầu chính thức tiến vào giai đoạn đô thị hoá theo chiều rộng, khi ấy cả thành phố (nhìn rộng ra là cả nước) là một công trường xây dựng vĩ đại.

NHẬN THÔNG TIN
TƯ VẤN/ ZALO
0938 156 315